"Đếk Biết Gì Cũng TIẾN!" - Bài 1: DẤN THÂN! TÂM LÝ VÀ CÁCH THỨC KHI DẤN THÂN.

Dấn thân là sự lựa chọn bắt buộc tại thời điểm đó với FPT. Và câu hỏi dấn (xuất khẩu phần mềm) như thế nào? Thì “Đếk biết gì cũng TIẾN” được sinh ra ngay tại đây để trả lời câu hỏi đó.

"Đếk Biết Gì Cũng TIẾN!" - Bài 1: DẤN THÂN! TÂM LÝ VÀ CÁCH THỨC KHI DẤN THÂN.

Nhân dịp sau khi vừa mới đọc và được nghe anh Nam chia sẻ về Đêk biết gì cũng TIẾN. Tôi muốn cùng các bạn kể chuyện và cùng bàn luận về tinh thần này.

LỜI DẪN:

Đầu tiên chúng ta phải nói về cuốn sách cùng tên. “Đếk biết gì cũng TIẾN!” - Cuốn sách thứ hai về văn hóa doanh nghiệp của FPT được anh Thành Nam chắp bút. Cuốn sách bao gồm những câu chuyện thực tế được kể lại và đi kèm những kiến giải chủ quan của nhóm tác giả (cũng là người trong cuộc). Những câu chuyện được quan sát và ghi chép bắt đầu từ khi chàng trai Nguyễn Thành Nam theo anh Bình và bị anh Nguyễn Chí Công “dí” cho tới ngày anh đã là anh Thành Nam như bây giờ.

Khi có ai đó hỏi về cuốn Đêk Biết gì cũng TIẾN được viết trong bao lâu, anh Thành Nam thường vui vẻ trả lời là 20 năm. Nó là con số anh nói cho thuận miệng, chứ các câu chuyện anh vẫn chăm đi update và tái bản lắm. Có lẽ anh có tình cảm đặc biệt với cuốn sách này.

Đối tượng của cuốn sách là những thế hệ cán bộ lãnh đạo kế tiếp của FSOFT, những “khởi nghiệp gia” và bát cứ ai quan tâm tới văn hóa doanh nghiệp. Điều này được nói rõ từ chương mở đầu, và có lẽ nó không dành cho số đông. Lạm bàn thì theo Shark Bình Estimate thì những người này chiếm khoảng 3% dân số, cũng ko biết Shark bốc thuốc đâu ra số này. Việc đối tượng hẹp như thế nên chính anh Nam lý giải tại sao cuốn sách không được bán đại trà nhưng mà “Ai muốn thì sẽ có để đọc”.

Sau khi đọc, tôi, một Kỹ Sư Phần Mềm đang ở giai đoạn ểnh ương (Cái loại mà nghĩ rằng mình đang làm cái gì đó quan trọng nhưng vẫn bị dí task và check deadline với PM và khách hàng hàng tuần) cũng cảm thấy liên kết và tâm đắc một số câu chuyện. Tôi mong muốn chia sẻ để những người cũng đang ở giai đoạn này có thể cùng nghe, bàn luận và tôi sẽ rất vui nếu câu chuyện này lan tỏa. Sau đó, bạn cũng tìm đọc cuốn sách này.

CÂU CHUYỆN 1: DẤN THÂN! TÂM LÝ VÀ CÁCH THỨC KHI DẤN THÂN.

Có một con ong và một con ruồi bị kẹt trong một cái lọ. Miệng của cái lọ hướng vào bóng tối và đáy thì hướng về phía ánh sáng. Với niềm tin sâu sắc sẵn có thì con ong cố gắng bay về phía ánh sáng để tìm tối ra, nhưng nó tìm được chỉ là đường cụt. Con ruồi bay loạn xạ và bay cả về phía bóng tối, từ đó tìm được đường bay ra ngoài. Cuộc sống luôn thách thức chúng ta phải đưa ra quyết định khi mọi thứ không hoàn toàn rõ ràng. Khi này, khi kế hoạch hướng về ánh sáng đã mắc kẹt thì chỉ có dấn thân mới may ra đưa ta ra được.

Trong Chương 1: Đêk biết gì và Chương 2 Tây du ký, các câu chuyện đã thể hiện khá rõ tinh thần dấn thân này của FPT. Thời điểm những năm 1995, thị trường làm phần mềm trong nước đang trở nên cằn cỗi, con đường ánh sáng đang kẹt, bắt buộc FPT phải xuất (khẩu phầm mềm) ra thế giới. Tất cả được thể hiện trong cái đinh “Chết hay là xuất” của hội nghị chiến lược của FPT năm 1998.

XUẤT KHẨU NHƯ THẾ NÀO ?

Sau "hội nghị diên hồng" anh Bình, anh Thành Nam và anh Hùng Râu đã cùng nhau đi đến Ấn Độ, thăm công ty Infosys tại Bangalore, nhằm học lóm kinh nghiệm.

Trong sách anh Nam miêu tả chuyến đi này rất sống động. Tóm tắt lại, bộ ba Ấn tiến đến nơi thì ngay lập tức được nhét vào một ký túc xá của sinh viên, nơi này nhiều muỗi lắm. Các anh ngủ thì ko thoải mái, nhưng chắc ăn thì ổn. Anh Nam còn khen món bánh Nan của Ấn Độ là Khá ngon. Cũng tại đây diễn ra câu chuyện anh Bình bị con dê liếm mất một nửa đĩa Cà-ri xong anh vẫn tặc lưỡi điềm nhiên ăn tiếp.

Sau đó các anh được đi thăm Infosys, nơi mà các anh đã mang về được một rổ “chân kinh”. Bao gồm công thức tính từ doanh thu ra chi phí xây văn phòng, đại chúng hóa Công nghệ thông tin cũng như đào tạo CNTT. Từ khi có công thức trên, FPT mới dám xuống tiền để có các tòa nhà và công ty đẹp như bây giờ. Cũng là ý tưởng ban đầu để mở khối FE với đại học và cao đẳng lớn mạnh như hiện tại.

BÌNH LUẬN

Dấn thân là sự lựa chọn bắt buộc tại thời điểm đó với FPT. Và câu hỏi dấn (xuất khẩu phần mềm) như thế nào? Thì “Đếk biết gì cũng TIẾN” được sinh ra ngay tại đây để trả lời câu hỏi đó. Dẫu cho cần nghiên cứu kỹ, tuyệt đối không hành động mù quáng nhưng khi lâm trận thì phải mang tâm lý là mình đếch biết gì, từ đó lắng nghe và học hỏi tích cực. Kiến thức và kinh nghiệm sẽ bồi đắp từ chiến trường, thực tế và từ chính đồng đội cũng như đối thủ. Tinh thần này là một một lời nhắc nhở về việc dám đối mặt và dám thử sức với những điều mới mẻ, kể cả khi chúng ta chưa có đủ thông tin hoặc kinh nghiệm. Tính ứng dụng của “Đêk biết gì cũng tiến” đặc biệt hữu ích với môi trường thông tin nhanh và sự phát triển vũ bão của công nghệ hiện tại. Các kiến thức liên tục lỗi thời nên tư tưởng “Đêk biết gì” rất thực tiễn và có tính ứng dụng cao hơn rất nhiều so với việc “tôi biết rồi”. Khi tôi chấp nhận rằng bản thân không biết thì tôi có thể học hỏi để bù vào điểm đó, chấp nhận un-learn những thứ đã học, đã lỗi thời để tiếp nhận cái mới.

Tôi học được là tại FSOFT thì dám dấn thân, thậm chí có chút liều lĩnh là tố chất bắt buộc phải có của người thủ lĩnh, một người mở đường. Không dễ dàng, nhưng lửa thử vàng mà. Ngoài ra, một “nghệ nhân dấn thân” là dù ra đi quyết tử nhưng thắng trận hay không thì vẫn phải toàn mạng trở về.

Tham khảo:

  • Chương 2 bài viết gốc bạn có thể tham khảo trực tiếp trên Facebook của anh Nguyễn Thành Nam tại link-Tây du ký
TODO:
  • CÂU CHUYỆN 2: ĐIỂM YẾU NHIỀU LẮM, CỐ KHẮC PHỤC HẾT KIỂU GÌ ĐÂY